Hà Giang

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, bản nơi địa đầu Tổ quốc: Kỳ 1 - Bước "chuyển mình" mạnh mẽ

08:45, 11/10/2017

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Nỗ lực xóa thôn, bản “trắng” chi bộ

Hà Giang có trên 300 thôn biên giới, thuộc 34 xã của 7 huyện biên giới bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên; trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Trước năm 2000, nhiều thôn, bản vẫn “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, đặc biệt các thôn giáp biên, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều thôn, bản tuy đã có chi bộ Đảng nhưng hoạt động chưa hiệu quả; một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; chưa chú trọng bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; chế độ sinh hoạt Đảng chưa nề nếp, nội dung nghèo nàn, còn hình thức, chưa thu hút đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao; ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong công tác xây dựng chi bộ vững mạnh còn hạn chế. Nhiều chi bộ không tổ chức sinh hoạt chuyên đề; vai trò của chi bộ trong lãnh, chỉ đạo phát triển KT – XH chưa được phát huy, công tác phát triển đảng viên mới gặp nhiều khó khăn... Đây thực sự là “kẽ hở” để các thế lực thù địch lợi dụng, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.

Bí thư Chi bộ thôn Nậm Tà, xã Thanh Thủy (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra sâu bệnh trên diện tích lúa Mùa. 			Ảnh: XUÂN TẦM
Bí thư Chi bộ thôn Nậm Tà, xã Thanh Thủy (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra sâu bệnh trên diện tích lúa Mùa. Ảnh: XUÂN TẦM

 Trước yêu cầu đặt ra phải xóa thôn, bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, năm 1999, Tỉnh ủy Hà Giang đã ra Nghị quyết về phát triển các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên. Nhiệm vụ đặt ra, phải tập trung các giải pháp phát triển đảng viên mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế cơ sở; đưa các đảng viên là giáo viên, cán bộ về sinh hoạt tại thôn, bản để thành lập chi bộ.

Sau 2 năm nỗ lực triển khai nghị quyết, đến năm 2001, Hà Giang đã cơ bản xóa thôn, bản “trắng” đảng viên; năm 2005 xóa thôn, bản “trắng” chi bộ. Tính đến ngày 20.9.2017, toàn Đảng bộ có 11 Đảng bộ huyện, thành phố và 5 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy với tổng số 4.390 chi bộ, 66.281 đảng viên; trong đó có 558 chi bộ cơ sở và 3.832 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và xuyên suốt của Đảng.

Bước “chuyển mình” mạnh mẽ

Từ đó đến nay, đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 10-CT/TW ngày 30.3.2007 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Hướng dẫn số 09- HD/BTCTW ngày 30.7.2007 của Ban Tổ chức T.Ư về nội dung sinh hoạt chi bộ, BTV Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề cương về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Tỉnh ủy đã biên soạn và phát hành trên 13 nghìn cuốn tài liệu bồi dưỡng Chi ủy viên, 3 nghìn cuốn sổ tay Bí thư Chi bộ; ban hành Quyết định số 256-QĐ/TU ngày 19.8.2011 về việc phê duyệt Đề cương “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên Đảng bộ tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 – 2015”; Đề án số 04-ĐA/TU về đổi mới, nâng cao chất lượng bồi dưỡng cấp ủy viên các cấp giai đoạn 2016 – 2020... Nhờ vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, trung bình có 95% đảng viên tham dự sinh hoạt chi bộ hàng tháng; nhiều chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề, ra nghị quyết phù hợp với nhiệm vụ thực tế; công tác kết nạp đảng viên mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Chi bộ thôn Lâm Đồng, xã phương Thiện (thành phố Hà Giang) hiện có 65 đảng viên. Trong 6 tháng đầu năm, Chi bộ đã ra 3 nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết về xóa nhà cầu trên ao; Nghị quyết xóa vách ngăn gầm sàn và di dời gia súc ra khỏi gầm sàn; Nghị quyết xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các đồng chí đảng viên trong chi bộ được phân công phụ trách từng nhóm công việc cụ thể để tuyên truyền, vận động người dân triển khai thực hiện. Từ việc lãnh, chỉ đạo kịp thời của chi bộ, các chỉ tiêu phát triển KT – XH của thôn Lâm Đồng đều đạt và vượt kế hoạch. Bí thư Chi bộ thôn Lâm Đồng, Mai Thanh Nam cho biết: “Tại các cuộc họp chi bộ, đảng viên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn thảo luận, đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả, nhờ vậy các nghị quyết của Đảng đã từng bước đi vào cuộc sống”.

Về Chi bộ thôn biên giới Nậm Tà, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên, từng trang biên bản sinh hoạt chi bộ được ghi chép cẩn thận, rõ ràng. Bí thư Chi bộ thôn, Nguyễn Triệu Khai chia sẻ: “Chi bộ Nậm Tà được chọn làm điểm thực hiện Đề án “Xây dựng chi bộ kiểu mẫu gắn với Nông thôn mới”. Tại các buổi sinh hoạt, chi bộ luôn tập trung bàn các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết như, hiến đất làm đường, xây dựng Nông thôn mới, đầu tư sản xuất hướng thâm canh, phát triển đảng viên mới... Chi bộ luôn lấy hiệu quả công việc hàng tháng làm thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên cuối năm”. Với sự lãnh, chỉ đạo khoa học, sáng tạo và quyết liệt, Chi bộ Nậm Tà nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh, đời sống của người dân vùng biên ngày càng được nâng cao.

Nói về chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay, đồng chí Nguyễn Trung Tài, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh đã được nâng tầm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đưa nghị quyết, chính sách của Đảng vào cuộc sống; mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng được củng cố, phát triển. Đội ngũ Bí thư Chi bộ ngày càng được trẻ hóa, có tư tưởng chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực lãnh đạo và nhiệt huyết với công việc; công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, chỉ đạo tốt”.

Kỳ II: Nhân rộng những cách làm hay. 

BIỆN LUÂN - XUÂN TẦM

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy dân chủ thông qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân

BHG - Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân là hoạt động đang được Ủy ban MTTQ tỉnh tích cực thực hiện nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kịp thời lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân tại các địa phương.

29/09/2017
Ghi nhận ở Chi bộ thôn My Bắc

BHG- Nhằm phát huy tốt vai trò tổ chức cơ sở Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP ở thôn, bản có hiệu quả, từng bước đưa cuộc sống của nhân dân ngày càng phát triển ổn định tiến tới thoát nghèo và làm giàu, trong thời gian qua, Chi bộ Đảng thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) đã tích cực bám sát các chỉ thị, nghị quyết, định hướng của huyện, của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo nhân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, AN-QP ở địa phương.

28/09/2017
Diễn đàn "Chiều thứ 6 nghe dân nói" – "cầu nối" giữa Đảng, chính quyền với nhân dân thành phố

BHG- Nhằm cụ thể hóa phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cấp chính quyền trước những yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của thành phố; đồng thời xuống với cơ sở để lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri để kịp thời phục vụ cho công tác lãnh, chỉ đạo

28/09/2017
Tăng cường mở rộng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên

BHG- Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, là một khâu quan trọng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, UBKT Tỉnh ủy, UBKT các cấp đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy tiến hành công tác KTGS theo Điều lệ Đảng, đồng thời chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát do Điều lệ Đảng quy định. 

28/09/2017