Đánh giá "mức độ quyết liệt"- giải pháp tích cực để xây dựng Đảng

17:32, 28/07/2017

BHG - Nâng cao sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có tính chất quyết định đến việc hoàn thành những mục tiêu lâu dài của tỉnh, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã không ngừng tìm tòi các giải pháp để tăng cường, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, trong đó việc đánh giá “mức độ quyết liệt” của cấp ủy viên các cấp là một giải pháp tác động đến những điểm xung yếu nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Thực tiễn triển khai Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh cho thấy: Công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, phương thức lãnh đạo của cấp ủy được đổi mới, toàn diện hơn; tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên thể hiện rõ tính gương mẫu, tận tụy, sâu sát thực tiễn. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng còn bộc lộ một số hạn chế, như: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp, chất lượng sinh hoạt đảng chưa cao; một bộ phận đảng viên đứng đầu các đơn vị thiếu mạnh dạn, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, ngày 1.3.2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTV) đã kết luận thống nhất đánh giá “mức độ quyết liệt” của các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh năm 2016 và mở rộng đến cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc  tỉnh.

Có thể hiểu bản chất của “sự quyết liệt” là thái độ làm việc với mức độ cao nhất, đánh giá “mức độ quyết liệt” là đánh giá sự chủ động, hăng hái, sáng tạo trong công việc của cấp ủy và của đảng viên đứng đầu các tổ chức, đơn vị. Từ việc đánh giá ở trong BCH Đảng bộ tỉnh và cấp ủy, cơ quan trực thuộc tỉnh, đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong hành động của cán bộ, đảng viên; qua đó BTV Tỉnh ủy chủ trương mở rộng đánh giá đến cấp xã.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan trong đánh giá; khắc phục biểu hiện hình thức, đối phó trong sinh hoạt Đảng... chúng ta cần nắm rõ nội hàm của “sự quyết liệt” và thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Trước hết, “quyết liệt”, phải được đo lường bằng hành động thực tiễn của người đảng viên, thể hiện tính tiên phong gương mẫu; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tránh “quyết liệt” chung chung, “quyết liệt” trong lời nói...; hoặc nói “cương quyết” nhưng khi có việc thì “không giám quyết”; nói “rất quyết liệt” nhưng làm “chỉ để báo cáo”... Do vậy, đánh giá “mức độ quyết liệt” cần gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TU ngày 10.11.2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường giám sát việc thực hiện “Nói đi đôi với làm” đối với cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành và cơ sở; nghiêm túc triển khai Bộ công cụ đánh giá mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Thứ hai, cần tập trung vào mức độ quyết liệt trong “đẩy mạnh cải cách hành chính” mạnh dạn đổi mới phương thức quản lý, lãnh đạo phục vụ nhân dân với phương châm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh”; đặt lợi ích của nhân dân làm tiêu chí ra quyết định tổ chức điều hành; không đổ lỗi cho cơ chế, chính sách; không vì sợ trách nhiệm, giữ chỗ mà biện minh về thẩm quyền, chức trách; sẵn sàng ủng hộ cái đúng, cái mới, cái tiến bộ. Đặc biệt, trong thời điểm Đảng ta đang kêu gọi đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng từ “quản lý” sang “quản trị”, tạo điều kiện cho người dân “khởi nghiệp” phát triển sản xuất. Tỉnh ta cũng tích cực thực hiện mục tiêu “xóa đói, giảm nghèo”, tiếp tục thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ... từng bước đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng “đặc biệt khó khăn”. Vì thế, sự “quyết liệt” của cấp ủy viên, lãnh đạo các cấp phải thể hiện ở năng lực “dám cải cách, dám đổi mới”; không trông chờ trợ cấp, hỗ trợ từ cấp trên mà tự lực, bằng khả năng của mình chủ động cải cách, nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Thứ ba, cần đánh giá “sự quyết liệt” trong khắc phục khuyết điểm, hạn chế, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Thực tế hiện nay, nhiều tổ chức cơ sở đảng trong sinh hoạt, sơ, tổng kết đều nhận thức rõ những hạn chế của mình. Tuy nhiên, việc khắc phục những yếu kém, tồn tại đó còn chậm, có những khuyết điểm, yếu kém vẫn lặp lại và chậm được khắc phục. Để kịp thời chấn chỉnh hiện tượng trên, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải cương quyết, triệt để, nhanh chóng khắc phục những tồn tại của cá nhân, đồng thời có giải pháp mang tính “quyết liệt”, thẳng thắn, tránh nể nang với những biểu hiện tiêu cực, sai trái của đảng viên hay tổ chức cơ sở đảng; phải xem việc khắc phục hạn chế là điều kiện cơ bản để tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thông qua đó, khắc phục “bệnh hình thức” trong tự phê bình và phê bình, làm cho việc phê bình trở nên thực chất; biến phê bình thành “hành động cộng sản” chứ không chỉ phê bình bằng lời nói; tự phê bình và phê bình phải là “bài thuốc” ngăn chặn thói “xua nịnh”, “bợ đỡ”, bè phái, đề cao cá nhân...

Thứ tư, cần xem xét hiệu quả của sự quyết liệt; gắn “quyết liệt với thận trọng”; “quyết liệt nhưng không nóng vội”. Mọi biện pháp đánh giá hay phương thức tổ chức hoạt động của Đảng đều có đích cuối cùng là phục vụ nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no cho dân tộc. Tức là, sự “quyết liệt của người đứng đầu” chỉ thực sự có giá trị khi đem lại hiệu quả trong thực tiễn đời sống của người dân. Do đó, khi đánh giá về “mức độ quyết liệt” cần xem xét trong giai đoạn nhất định, trên cơ sở kiểm định của thực tiễn; “quyết liệt” phải nhanh chóng, kịp thời nhưng cần có suy xét, cân nhắc; “mức độ quyết liệt cao” phải đi liền với hiệu quả cao. “Quyết liệt” phải chủ động, mạnh dạn nhưng có căn cứ, cơ sở khoa học, không liều lĩnh, nóng vội; “quyết liệt” trên cơ sở, dân chủ, lắng nghe chọn lọc; tránh thói háo danh, “quyết giành thành tích”, “ham dấu ấn cá nhân”...

Việc đánh giá “mức độ quyết liệt” của cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo diện cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang là cách làm mới, thiết thực, phù hợp trong tình hình hiện nay. Đòi hỏi việc tổ chức thực hiện của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải thực sự công tâm, khách quan, chính xác, đoàn kết để chủ trương đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

SÈN CHỈN LY  (UỶ VIÊN BTV TỈNH UỶ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mạnh dạn đổi mới và hiệu quả trong công tác luân chuyển cán bộ ở Hoàng Su Phì

BHG - Trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, cách làm phù hợp, công tác luân chuyển cán bộ của huyện Hoàng Su Phì đã phát huy được năng lực, sở trường của từng người đối với từng công việc được đảm nhận.

28/07/2017
Kiểm tra, giám sát - nhân tố tạo nên sự thống nhất trong Đảng

BHG - Tính đến tháng 6.2017, Đảng bộ huyện Đồng Văn có 68 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), 325 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với tổng số 4.306 đảng viên. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp trong toàn Đảng bộ huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát (KT - GS) theo quy định của Điều lệ Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. 

24/06/2017
Chi bộ thôn Yên Lập phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên

BHG - Những năm qua, Chi bộ thôn Yên Lập, xã Yên Thành (Quang Bình) luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động, phong trào thi đua. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Chi bộ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thi đua phát triển KT – XH tại địa phương.

24/06/2017
Mèo Vạc coi trọng công tác kết nạp đảng viên

BHG - Xác định phát triển đảng viên mới (ĐVM) là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng sức chiến đấu, đảm bảo sự kế thừa và phát triển của Đảng; những năm qua, Đảng bộ huyện Mèo Vạc luôn coi trọng công tác phát triển ĐVM. Với việc phát triển tổ chức Đảng một cách thận trọng, vững chắc đã giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

24/06/2017