Nghệ nhân người dân tộc Lô Lô làm du lịch ở địa đầu Lũng Cú

07:38, 03/06/2017

BHG - Là một Trưởng thôn, với phương châm “đảng viên đi trước”, anh Sình Dỉ Gai, Nghệ nhân dân gian người dân tộc Lô Lô, ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) đã đi đầu trong việc phát triển kinh tế bằng dịch vụ Homestay. Qua đó, những nét đẹp của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, phong tục truyền thống của người Lô Lô được quảng bá đi khắp mọi miền.

Vượt qua những con đường uốn lượn như dải lụa được vẽ trên đá, hai bên đường hoa cải đua nở; chúng tôi tới thăm gia đình đảng viên Sình Dỉ Gai, một hộ làm Homestay có tiếng ở Lũng Cú. Nhà anh Gai nằm ở nơi có cảnh đẹp nên thơ, một vị trí đắc địa có thể nhìn thấy Cột cờ Lũng Cú ở khoảng cách rất gần. Để phục vụ cho du lịch, gia đình anh trồng các loại hoa đặc trưng của xứ đá xung quanh nhà và mảnh vườn bên cạnh. Hoa thay nhau nở theo mùa, từ hoa đào, lê, cải vàng, Tam giác mạch... Nếu tìm kiếm trên mạng sẽ thấy rất nhiều du khách chụp hình lưu niệm tại đây. Phong cảnh đẹp là vậy, nhưng cách đây chục năm cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, nghèo đói, lạc hậu. “Nơi này chỉ thay đổi từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào năm 2010, đến năm 2011 các tổ chức nước ngoài đến thôn hỗ trợ người dân làm nhà truyền thống và phát triển du lịch”, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, Vàng Mí Cấu nhớ lại. “Phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo bền vững” là khẩu hiệu được chính quyền tỉnh, huyện khuyến khích tại xã nghèo nằm trong Chương trình 30a này.

Gia đình anh Sình Dỉ Gai mặc trang phục truyền thống của người Lô Lô đón khách du lịch tại nhà.
Gia đình anh Sình Dỉ Gai mặc trang phục truyền thống của người Lô Lô đón khách du lịch tại nhà.

Từ khi du lịch bắt đầu phát triển ở Lũng Cú, anh Gai đã trăn trở suy nghĩ làm thế nào để có thể nắm bắt được cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Cơ duyên đưa anh đến với nghề làm dịch vụ Homestay, cho khách du lịch ở trọ tại nhà vào năm 2014. Anh Gai, chia sẻ: “Tôi tình cờ mời ông khách người Nhật Yasushi Ogura đến nhà ăn cơm, khi ông ấy đến đây du lịch. Ông ấy thấy tôi chia sẻ về việc chuẩn bị làm nhà và đã động viên tôi đầu tư xây nhà truyền thống để làm dịch vụ Homestay và hứa sẽ hỗ trợ tiền. Đấy chính là động lực để tôi đầu tư xây dựng ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô là nhà trình tường, khung gỗ hết hơn 200 triệu đồng. Mới đầu làm du lịch còn bỡ ngỡ do rào cản về ngôn ngữ, phong tục, tập quán để giao lưu với khách; sau vài năm tôi đã có kinh nghiệm phục vụ. Từ đó đến nay, hàng năm số khách du lịch tăng đều, thu nhập từ du lịch trung bình khoảng 80 triệu đồng”. Giờ đây, nhà anh Gai đã trở thành địa chỉ Homestay có tiếng được nhiều du khách xa gần biết đến. Anh cho biết: “Khách đến ở trọ nhà tôi thường là khách tây, giá ở một đêm là 60 nghìn đồng/người, nếu ăn thêm bữa tối và sáng là 150 nghìn đồng/người. Khách ở đây họ rất thích các bữa ăn của nhà tôi do thường nấu các món ăn địa phương, như: Thịt gà, lợn đen, thịt treo, đậu chúa, mèn mén, thắng cố... Khách có thể cùng gia đình hái rau cải, bắt gà trong vườn để làm cơm”. Mấy năm gần đây, gia đình đã đầu tư thêm mạng Wifi, nhà vệ sinh tự hoại và nhà tắm nóng lạnh để phục vụ khách.

Được biết, anh Gai còn là Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian của xã từ năm 2013 đến nay. Sau chuyến đi biểu diễn gần đây từ Hà Nội về, anh Gai vui vẻ chia sẻ: “Tôi tham gia Hội Nghệ nhân dân gian của xã để phát triển và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hội có 2 dân tộc chính là Lô Lô và Mông, chúng tôi thường xuyên mở các lớp dạy các thế hệ trẻ trong thôn, xã về các làn điệu dân gian của dân tộc mình; các thầy thuốc thì dạy cách bốc thuốc để những bài thuốc cổ truyền không bị mất”. Làm Trưởng thôn từ năm 2008 đến nay, anh Gai được bà con trong thôn tin tưởng nghe theo, việc vận động người dân góp công, hiến đất làm đường bê-tông nông thôn mới, làm du lịch đều được cả thôn đồng tình hưởng ứng. Các hộ trong thôn đã biết bán các sản phẩm thủ công, rau cỏ của địa phương trong mùa du lịch để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mong ước của anh Gai là đời sống của bà con trong thôn ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao chất lượng sinh hoạt ở Đảng bộ xã Ma Lé

BHG - Đảng bộ xã Ma Lé (Đồng Văn) hiện có tổng số 17 Chi bộ, trong đó có 12 Chi bộ thôn, bản, với 202 đảng viên. Trong đợt đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng năm 2016 cho thấy: 100% đảng viên trong Đảng bộ đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở lên, có 10 Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 6 Chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1 Chi bộ hoàn thành nhiệm vụ; Đảng bộ xã đạt TSVM.

29/04/2017
"Đảng viên gương mẫu đi đầu – nhân dân làm theo" ở Yên Minh

BHG - Đây là phương châm triển khai thực hiện phong trào thi đua chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020 cũng như các ngày lễ lớn trong năm 2016. 

29/04/2017
Bắc Quang tập trung đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

BHG - Phát huy những thành tích đã đạt được của năm 2016, năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang tập trung thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết (NQ) của Đảng bộ huyện với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng Bắc Quang thành huyện phát triển động lực của tỉnh.

29/04/2017
Đảng viên trẻ Bắc Quang với phong trào làm kinh tế giỏi

BHG- Với sự năng động, nhiệt huyết nhiều đảng viên trẻ của huyện Bắc Quang đã và ra sức, nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao lượng cuộc sống gia đình cũng như góp phần làm giàu cho quê hương. 

26/05/2017