“Lão kỹ sư gàn” và những chiếc máy tự chế

07:32, 04/12/2014

HGĐT- Khó khăn lắm lão mới học hết chương trình lớp 9, vậy nhưng với người dân ở xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì), lão xứng với cái danh “kỹ sư” vì ở nơi mây vờn đỉnh núi này, lão là người đầu tiên chế tạo nên những chiếc máy cày, bừa liên hợp, máy tuốt lúa... từ động cơ xe máy cũ. Lão là Phu Vần Khón.



                Lão “gàn” Phu Vần Khón bên chiếc máy tuốt lúa tự chế.


Ở tuổi 43, nhưng tôi gọi người đàn ông này bằng... “Lão” bởi dáng người khắc khổ của một nông dân “một nắng, hai sương” trên đồng ruộng dường như đã đẩy tuổi xuân của lão chạy nhanh hơn.


Câu chuyện về lão gàn Chu Vần Khón suốt ngày hì hụi nghiên cứu, tháo, lắp những chiếc động cơ xe máy cũ để tạo ra chiếc máy cày, bừa liên hợp hé mở khi vợ lão là chị Chỉn Thị Mấy chia sẻ với những người hàng xóm: “Ông ấy gàn lắm, suốt ngày máy với móc, tháo ra lại lắp vào, có hôm đang nằm trên giường, sực nhớ điều gì đó, lại ra đống “sắt vụn” kia lắp, hàn... đã mất thời gian, tiền bạc, lại chẳng giúp vợ được việc gì”. Lão xen vào trong câu chuyện của những người phụ nữ: “Cái máy cày bừa liên hợp hoạt động tốt giúp cho ruộng nhà mình làm đất kịp mùa vụ, vừa không mất nhiều thời gian, sức lao động, lại giải phóng sức kéo cho con trâu... mà lại nói không giúp được gì”. Rồi lão cười gàn, cái cười của một kẻ hãnh diện vì khoe được chiến công với vợ.


Là người con của dân tộc Nùng, sinh ra trong một gia đình nghèo, chàng thanh niên tên Khón đến tuổi trưởng thành mới cố gắng tốt nghiệp xong lớp 9. Sau khi lấy vợ, Phu Vần Khón luôn trăn trở phải học một cái nghề để kiếm thêm thu nhập, nuôi các con ăn học. Nhận thấy Pờ Ly Ngài vẫn còn ít quán sửa chữa xe máy lắm, trong khi nhu cầu đi xe máy của người ngày một nhiều, nghề này lại phù hợp với điều kiện và trình độ bản thân nên lão đã theo học nghề sửa chữa xe máy. Sau bao nỗ lực về nguồn vốn, lão cũng đã mở được một quán sửa chữa xe máy khiêm tốn nép mình bên vệ đường thuộc thôn Na Vang. Vợ lão cũng “ăn theo” với lỉnh kỉnh những thứ đồ tạp hóa bán kiếm thêm thu nhập.


Pờ Ly Ngài là xã khó khăn của huyện Hoàng Su Phì với trên 35% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng sinh sống; cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, đẹp như bức tranh vẽ trên lưng chừng núi. Ngoài quán sửa xe thêm đồng ra, đồng vào, gia đình lão Khón cũng bám vào mấy thửa ruộng như bao gia đình khác, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, vậy mà cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi; đã thế, vào mùa gieo cấy, ruộng bậc thang không giữ nước được lâu, sức kéo của trâu không đáp ứng được tiến độ mùa vụ, nhiều gia đình không làm kịp đất đã phải để ruộng bỏ hoang. Đây cũng là lý do ban đầu để xuất hiện ý tưởng làm ra một chiếc máy cày, bừa để làm đất, đảm bảo kịp thời vụ của lão nông Phu Vần Khón.

 
Lão nghĩ, nhà nghèo lấy đâu ra tiền để mua một chiếc máy cày hiện đại với giá hơn cả chục triệu đồng, mà máy lại to, nặng, không phù hợp để di chuyển trên những thửa ruộng bậc thang vốn hẹp chiều ngang; lại nghĩ động cơ xe máy có thể chở được người lên con dốc cao, thì sao lại không kéo được cái lồng sắt băm đất trên ruộng. Nhất tiện có những cái động cơ xe máy cũ mua lại của người dân, lão bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo; hết tháo ra, lại lắp vào, bỏ bê cả việc đồng áng, gom các loại sắt hàn thành khung, bánh lồng, tay lái, có cả nút đề khởi động... Đã có không biết đã bao nhiêu lần thất bại vì các chi tiết lắp vào không đồng bộ, không chạy được. 3 tháng mất ăn, mất ngủ, hì hụi làm việc, nghiên cứu, chế tạo, phá biết bao nhiêu sắt, động cơ xe máy cũ... lão cũng cho ra đời một sản phẩm máy cày hoàn chỉnh. Mang “đứa con tinh thần” làm tổn hại nhiều công sức, tiền của của mình ra ruộng cày thử, thấy nó đi tốt, phay được đất, tuy nhiên nhiều chi tiết chưa phù hợp, khiến cho việc điều khiển máy cày gặp nhiều khó khăn, kích thước cũng chưa phù hợp... Chưa bằng lòng với thành quả ấy, lão lại tháo, mở, nghiên cứu tiếp.


Lần thứ 2, chiếc máy đã nhỏ gọn hơn, nhẹ hơn, chạy êm hơn, không mất nhiều sức, máy có thể dễ dàng di chuyển trên những thửa ruộng bậc thang hẹp và vài người có thể nhấc được từ ruộng này đến ruộng khác; ít tốn nhiên liệu. Lần này, thành quả đã thực sự được người dân và nhất là vợ lão thừa nhận và ủng hộ.


Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang vì có khách sửa chữa xe máy; đôi bàn tay lành nghề vá lỗ xăm xe bị thủng, lão tiếp câu chuyện: “Tháng 6 vừa rồi, sau hơn 1 tuần nghiên cứu, làm thử, tôi đã làm thành công cái máy tuốt lúa cũng từ động cơ xe máy cũ. Có máy tuốt, mùa gặt năm nay, vợ tôi không phải dùng sức đạp máy tuốt lúa như trước đây. Hiện nay, tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tạo ra các loại máy tẽ ngô, máy nạo sắn giúp người dân làm việc năng suất và hiệu quả cao hơn”.


Bố bận bịu với việc “nghiên cứu” các loại máy tự chế, mẹ chẳng ngơi tay việc nhà, nhưng hai đứa con của lão luôn chăm ngoan, học tốt; con gái lớn đã là sinh viên Trường Đại học Tân Trào; đứa con trai đang học ở trường huyện, hễ có thời gian rảnh rỗi lại về giúp bố cùng nghiên cứu, chế tạo.


Đồng chí Hoàng Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ly Ngài cho biết: Xã rất quan tâm đến việc nghiên cứu, chế tạo máy cày, bừa liên hợp của ông Khón. Đây thực sự là sản phẩm trí tuệ phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương và hoàn cảnh của người nghèo khi giá của một chiếc máy này chỉ bằng gần một nửa chiếc máy cày đang bán trên thị trường. Xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để ông Khón mở rộng sản xuất, tăng thu nhập”.


Trước khi chia tay, lão chia sẻ thêm rằng: “Trước đây, nghe tin tôi làm máy cày, đã có doanh nghiệp ở Hà Nội lên đặt tôi làm bản vẽ thiết kế, nhưng tôi không làm được; tôi không hình dung được thiết kế trên giấy, tất cả những thành công hôm nay đều là tôi mày mò từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tế mà nên”.


Sau cơn mưa rừng đêm qua, núi đồi lại bừng lên sức sống. Chiếc máy cày nằm im ngừng nghỉ chờ mùa gieo hạt mới. Lão gàn Phu Vần Khón cắt ngang dòng suy nghĩ để ân cần phục vụ khách đến sửa chữa xe. Với lão, đam mê sáng tạo là không có giới hạn và ngưng nghỉ, chỉ cần còn thời gian, sức khỏe là lão lại bày đồ ra tháo, lắp mặc cho tiếng ì xèo của vợ. Việc tạo ra những chiếc máy tự chế phục vụ sản xuất và đời sống của lão Khón chính là đang cụ thể hóa các nội dung thi đua sáng tạo KHKT theo lời Bác Hồ căn dặn khi Người lên thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát động đợt thi đua cao điểm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”
HGĐT - Bộ CHQS tỉnh vừa phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”; thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 2014); 68 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 2
25/10/2014
Quản Bạ tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”
HGĐT-Ngày 24.9, huyện Quản Bạ đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”. Dự Lễ phát động có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng tỉnh.
25/09/2014
Hà Giang luôn ghi nhớ và thực hiện đúng lời Bác dạy
HGĐT- Tháng 9 mùa Thu lịch sử đã về, đem đến cho đất nước và mọi người dân Việt Nam tình cảm thiết tha, lòng biết ơn sâu nặng, thành kính đối với Bác Hồ kính yêu! Mùa Thu này cùng với niềm vui kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, sẽ là những cảm xúc dâng trào của dân tộc cùng đất nước kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Hòa chung cùng
25/09/2014
Tân Lập khắc sâu lời Bác dạy
HGĐT - Nhiều người vẫn ví: Ngủ dậy muộn thì phí mất một ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời. Thế nhưng, có những chị ngoài 20 hay những bác tóc đã điểm hoa râm ở tuổi 40 mới bắt đầu đến trường, học những chữ đầu tiên trong Bảng chữ cái tiếng Việt. Dù khởi đầu sự học khi tuổi đã cao, khả năng tiếp thu kiến thức gặp nhiều hạn chế. Song, họ vẫn hào
23/09/2014