Căn cước công dân đặt nền tảng công dân số

14:13, 11/08/2021

BHG - Trước thực trạng mỗi công dân sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (Giấy khai sinh, CMND, Sổ hộ khẩu, Giấy đăng ký kết hôn, thẻ Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, các loại chứng chỉ…). Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin về công dân giữa các cơ sở dữ liệu, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC).

 Người dân làm thủ tục Căn cước công dân tại trung tâm Căn cước công dân.
Người dân làm thủ tục Căn cước công dân tại trung tâm Căn cước công dân.

Dự án CSDLQGVDC là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay có ý nghĩa rất quan trọng trong xác lập nền tảng công dân số, xã hội số và được coi “cốt lõi” để xây dựng và kết nối hệ thống các Cơ sở dữ liệu với nhau. CSDLQGVDC chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân. Việc tra cứu thông tin trong CSDLQGVDC khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao chứng thực các giấy tờ công dân, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại cho nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm.

Sau khi tiến hành điều tra cơ bản, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã lập danh sách nhân khẩu trong diện cấp Căn cước công dân (CCCD), phân loại theo từng nhóm tuổi, theo nghề nghiệp và khảo sát các địa điểm dự cấp, để tiến hành triển khai cấp CCCD cho phù hợp. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Triệu Văn Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh cho biết: Với sự chỉ đạo sát sao của Công an tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan, từ ngày 1.1.2021 đến ngày 5.8.2021, toàn tỉnh thu nhận được 537.090 hồ sơ CCCD/585.407 người trong độ tuổi phải thu nhận hồ sơ, đạt 91,7% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao; trong đó, công dân vắng mặt khỏi địa phương là 42.374 người. Đã tiếp nhận 429.800 thẻ CCCD do Cục C06 - Bộ Công an chuyển trả; hiện tại, các đơn vị đang tiến hành nhập số CCCD vào phiếu thu nhận thông tin CCCD và tiến hành trả thẻ CCCD cho công dân sử dụng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại các điểm cấp CCCD trong tỉnh, các cán bộ thuộc BHXH tỉnh sẵn sàng hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID – BHXH, BHTY số trên thiết bị thông minh. Đây là một tiện ích rất lớn đối với người dân đang tham gia BHXH, BHYT. Anh Lê Văn Tĩnh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin - BHXH tỉnh, cho biết: Người dân khi đến làm CCCD nếu có nhu cầu, cán bộ bảo hiểm sẽ trực tiếp hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn cách sử dụng các tiện ích của phần mềm VssID trên thiết bị điện thoại di động thông minh. Qua đó, sẽ được cập nhật thông tin về lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; có thể tra cứu được các thông tin về mã số BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT, các dịch vụ công của BHXH. Tính đến tháng 8.2021, toàn tỉnh có 74.800 người đăng ký sử dụng VssID, đạt 184,2% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Qua thông tin phản hồi từ người dùng, đa số đánh giá cao các giá trị tích cực mà ứng dụng mang lại.

Bên cạnh đó, để giảm sự chờ đợi và chuyển CCCD đến tay người dân kịp thời, tại điểm cấp CCCD, các đơn vị Bưu điện cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyển CCCD về tận gia đình người dân khi có nhu cầu. Như vậy, có thể thấy cùng một dịp làm CCCD, người dân vừa thực hiện được quyền lợi của mình, vừa tích cực tham gia góp phần vào việc xây dựng Chính phủ điện tử, một mục tiêu mà Chính phủ và các địa phương trong tỉnh ta đang quyết tâm thực hiện, từ đó đặt nền tảng cho việc thực hiện công dân số. 

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC


Cùng chuyên mục

Chuyển đổi số, cuộc cách mạng của toàn dân

Chuyển đổi số đơn giản là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số. Vậy đâu là những việc cần làm để định hình chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam?

 

26/07/2021
Hà Giang đứng top 10 cả nước trong triển khai ứng dụng Bảo hiểm xã hội số

BHG - VssID là ứng dụng Bảo hiểm xã hội (BHXH) số trên nền tảng thiết bị di động, tích hợp nhiều tiện ích thông minh, giúp người sử dụng dễ dàng tra cứu thông tin. Sau một thời gian triển khai, đến nay, toàn tỉnh có trên 73.000 người đăng ký cài đặt, sử dụng ứng dụng, đạt 179% kế hoạch giao. Với kết quả này, Hà Gang thuộc nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ đăng ký sử dụng VssID cao nhất cả nước; qua đó, tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

23/07/2021
Hội thảo chuyển đổi số và ký kết hợp tác chuyển đổi số tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025

BHG - Chiều 23.6, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo trực tuyến với Tập đoàn FPT, tỉnh Quảng Ninh và các huyện, thành phố trong tỉnh với chủ đề: "Chuyển đổi số - nền tảng phát triển KT – XH". Các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang...

23/06/2021
Hội nghị trực tuyến giao ban Ban Điều hành Chuyển đổi số Hà Giang

BHG - Chiều 22.7, UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban điều hành (BĐH) và các Tổ công tác Chuyển đổi số tỉnh Hà Giang với BĐH và các Tổ công tác Tập đoàn FPT triển khai Chuyển đổi số tỉnh Hà Giang. Tại điểm cầu UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BĐH Chuyển đổi số Hà Giang chủ trì hội nghị...

22/07/2021