Hà Giang

Trường Cao đẳng Nghề: "Mạch chảy thực tiễn" một Đề án

09:50, 13/02/2018

Xuân 2018 - Năm 2017, kết quả tuyển sinh các hệ đào tạo nghề đạt 114% tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; học sinh, sinh viên ra trường có nhiều cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là tín hiệu vui trước thềm Xuân mới, khẳng định những hiệu quả của Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn hợp tác quốc tế và giải quyết việc làm” mà Trường Cao đẳng Nghề thực hiện xuyên suốt giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là bước đi phù hợp trước bối cảnh nước ta đang tăng cường đầu tư, phát triển đào tạo nghề, nhằm tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cô và trò lớp Trung cấp may thời trang khóa 11 (2017 - 2019).
Cô và trò lớp Trung cấp may thời trang khóa 11 (2017 - 2019).

Trên cơ sở những mục tiêu của Đề án, đến năm 2020, tỉnh ta có thêm 10.985 người được đào tạo nghề ở các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Trong đó, những nhóm nghề theo định hướng phát triển của tỉnh, như: Nghề nông, công nghệ kỹ thuật và  dịch vụ được ưu tiên trọng điểm. Phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%. Dù là tỉnh miền núi còn nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, nhưng năm qua Trường Cao đẳng Nghề đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện từng nội dung cụ thể nằm trong lộ trình Đề án.

Hiện nhà trường có 41 lớp với 1.136 học sinh, sinh viên, học viên và 35 mã nghề đào tạo chính. Nắm bắt cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, đa số các em lựa chọn theo học ngành công nghệ ô-tô, vận hành nhà máy thủy điện, điện công nghiệp, thú y, may thời trang. Căn cứ vào chương trình đào tạo, nhà trường huy động giáo viên, các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, người lao động sản xuất giỏi tại các cơ quan, doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình, giúp các em có cơ hội tiếp cận kiến thức chuyên môn vững vàng nhất. Vượt qua những khó khăn, trường còn chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, phục vụ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp, cơ sở du lịch, dịch vụ và xuất khẩu lao động.

 Những ngày giáp Tết Nguyên đán, phong trào dạy và học ở trường vẫn sôi động như thường lệ, học sinh, sinh viên hào hứng, tin tưởng, yên tâm học nghề, vững bước tiến đến thành công.

Em Nông Thị Nguyệt, học sinh lớp Trung cấp may thời trang khóa 11, năm học 2017 - 2019, cho hay: “Khi tốt nghiệp xong lớp 9, em nộp hồ sơ xét tuyển vào trường với nguyện vọng vừa học văn hóa vừa học nghề may thời trang. Ở đây thầy, cô quan tâm, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập. Sau khi tốt nghiệp, em và các bạn sẽ đầu quân vào một công ty may ở tỉnh Hưng Yên theo định hướng liên kết của nhà trường”. Về lâu dài, Nguyệt ấp ủ mở một xưởng may ở quê hương Bắc Mê để tạo công ăn việc làm cho bạn bè.

Với tư duy đổi mới và nắm bắt nhu cầu thực tế, năm 2017 ghi thêm một dấu mốc, khẳng định sự chuyên sâu hơn trong công tác đào tạo, hợp tác quốc tế của trường. Bằng sự nhạy bén, nhà trường đã hợp tác với Công ty Cổ phần công nghiệp phụ trợ Nhật  - Việt liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật một số ngành nghề theo lĩnh vực ký kết với các doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc. Song hành với đó, tập thể trường thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế tham gia đào tạo nghề. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, như: Công ty Lắp ráp ô-tô Quyết Thắng; Công ty TNHH Hải Phú; các nhà máy thủy điện; Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Quốc tế Vinasem; Công ty Cổ phần Phát triển nhân lực và Thương mại Vinamex, Công ty Cổ phần và Hợp tác quốc tế Thăng Long, Công ty Cổ phần kinh doanh xuất, nhập khẩu Như Quỳnh... tổ chức các đợt tuyển dụng, tìm kiếm cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên. Sự phát triển đồng bộ này giúp các em sau khi tốt nghiệp có thêm “cánh cửa” làm việc trong môi trường hội nhập.

Thầy giáo Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề, cho biết: “Thời gian tới, nhà trường sẽ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn hợp tác quốc tế và giải quyết việc làm cho người lao động; đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cao. Với bề dày truyền thống, trường sẽ tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của khu vực và thế giới, bảo đảm tính hệ thống, dài hạn; tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; giữ vị thế vững chắc để đón Xuân mới với những thành công lớn hơn, xứng đáng là “chiếc nôi” trong sự nghiệp đào tạo nghề mà tỉnh nhà giao phó, nhân dân gửi gắm, vì tương lai con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bài, ảnh: NHẤT LINH – MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Du lịch Hoàng Su Phì điểm đến lý tưởng

Xuân 2018 - Năm 2017, huyện Hoàng Su Phì đón trên 15.300 lượt khách, trong đó khách nước ngoài 4.700 lượt, doanh thu ước đạt trên 17 tỷ đồng. Với những lợi thế về sinh thái, tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá truyền thống cùng với các sản phẩm du lịch đa dạng, Hoàng Su Phì đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đây thực sự là tín hiệu vui, để ngành Du lịch của huyện "Nâng tầm thương hiệu".

13/02/2018
Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc Tích cực hoàn thiện các chỉ tiêu nâng hạng

Xuân 2018 -  Mặc dù còn thiếu về nhân lực và cơ sở hạ tầng, nhưng với nỗ lực không ngừng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, năm 2017, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Mèo Vạc đã thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải tiến chất lượng bệnh viện; giám sát việc thực hiện các quy chế, chế độ chuyên môn, giáo dục y đức trong lĩnh vực khám, chữa bệnh (KCB). Do đó, các chỉ tiêu cơ bản về KCB được cải thiện cả về số lượng và chất lượng, thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

13/02/2018
Vị Xuyên, nhiều mô hình hay trong nông nghiệp được nhân rộng

Xuân 2018 - Là huyện động lực của tỉnh, huyện Vị Xuyên luôn xác định sản xuất nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng nhất trong phát triển nền kinh tế. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, từng bước đưa nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích như: Lựa chọn phát triển cây, con thế mạnh; chủ động liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…. Năm qua, huyện triển khai, nhân rộng nhiều chương trình và mô hình có hiệu quả kinh tế cao.

13/02/2018
"Đột phá" năng lực sản xuất giống cây dược liệu

Xuân 2018 - Trung tâm Khoa học kỹ thuật (KH- KT) Giống cây trồng Đạo Đức có nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các loại giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp; chuyển giao KH- KT trong sản xuất tới người nông dân và các cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian qua, Trung tâm đã chú trọng nâng cao năng lực sản xuất giống cây dược liệu theo Đề tài "Nghiên cứu sản xuất giống và phát triển các loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh Hà Giang" đạt được những kết quả đáng khích lệ. 

13/02/2018