Hà Giang

Vùng chè Shan tuyết vào Xuân

07:19, 02/02/2019

Xuân 2019 - Một mùa Xuân mới lại về, khoác màu xanh tươi trên dải đất cực Bắc của Tổ quốc - Mảnh đất được mệnh danh là xứ sở của những cây Chè Shan tuyết cổ thụ quanh năm nằm trong mây mù và sương giá. Thời điểm này, những rừng Chè Shan tuyết ở Hà Giang đang vươn mình nảy những mầm non đầu tiên, cho ra những búp chè non xanh mướt, tạo nên thương hiệu đặc biệt riêng có của Hà Giang.

Chè Shan tuyết Hà Giang mọc trên đỉnh núi cao, quanh năm bao phủ bởi làn sương tinh khiết.
Chè Shan tuyết Hà Giang mọc trên đỉnh núi cao, quanh năm bao phủ bởi làn sương tinh khiết.

Là tỉnh vùng cao biên giới, với những đặc thù về địa hình, độ cao, khí hậu hết sức đa dạng – những đặc điểm này đã ban lại cho tỉnh ta những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có giá trị kinh tế cao. Trong đó có những sản phẩm nổi tiếng gắn bó với truyền thống văn hóa, tập quán canh tác; gắn bó với cuộc sống của đồng bào, với sự nghiệp phát triển KT – XH của tỉnh, như Cam sành Hà Giang, Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá, Chè Shan tuyết, Bò vùng cao phía Bắc, Hồng không hạt… Đặc biệt, các sản phẩm này đã và đang được sản xuất trên vùng đất không bị ô nhiễm, khí hậu trong lành, độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, xứng đáng là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, an toàn. Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng có thế mạnh thông qua các cơ chế, các chính sách cụ thể. Cùng với đó là sự cần cù, nhanh nhạy của bà con, các sản phẩm đặc trưng đã được tổ chức sản xuất thành hàng hóa và đứng vững trên thị trường, góp phần cùng với toàn tỉnh trong tiến trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho bà con một cách ổn định bền vững.

Trong các sản phẩm đặc trưng, cây chè được xác định là một trong những cây hàng hóa chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hà Giang. Với tổng diện tích chè toàn tỉnh trên 20.600 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 18.200 ha, năng suất chè búp tươi đạt trên 37 tạ/ha, sản đạt trên 67 nghìn tấn. Cây chè được trồng tập trung 8/11 huyện, thành phố, chủ yếu ở các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP hiện có 9.382 ha, trong đó diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 4.857 ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 4.525 ha. Với 2 nhóm giống chính là Chè Shan tuyết và chè Trung du, trong đó giống Chè Shan tuyết chiếm trên 90% diện tích, gồm giống Shan tuyết lá to và Shan tuyết lá nhỏ. Năm 2018, giá chè búp ở các huyện vùng thấp đạt từ 4 – 5.000đ/kg; 2 huyện phía Tây và các xã vùng cao của huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình giá chè búp tươi đạt 15 – 18.000đ/kg.

Người dân xã Thông Nguyên thu hái chè Shan tuyết.
Người dân xã Thông Nguyên thu hái chè Shan tuyết.

Được thừa hưởng khí hậu vùng núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều mây mù nên Hà Giang có rất nhiều rừng chè Shan tuyết cổ thụ, tuổi thọ cao đến 400 tuổi. Tập trung chủ yếu ở những vùng có độ cao trên 600m trở lên so với mực nước biển, như Lũng Phìn (Đồng Văn); Phìn Hồ, Túng Sán, Thông Nguyên (Hoàng Su Phì); Tham Vè, Bó Đướt, Thượng Sơn, Cao Bồ (Vị Xuyên). Cây chè sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng. Việc thu hoạch và khai thác cũng hoàn toàn tự nhiên, đã tạo nên chất lượng đặc thù của sản phẩm Chè Shan tuyết Hà Giang, không chỉ chinh phục được người tiêu dùng mà cả với những người sành thưởng thức trà. Hiện nay, sản phẩm Chè Shan tuyết ngoài tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… còn có mặt tại 3 châu  là châu Âu, châu Á, châu Mỹ và trên 20 Quốc gia.

Chớm Xuân, con đường vào Hoàng Su Phì hiện lên một màu xanh của rừng chè mờ mờ trong làn sương mù mờ mịt. Đây là huyện sở hữu vùng chè Shan tuyết cổ thụ lớn của tỉnh, hiện tại, toàn huyện có 4.652,8 ha chè, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 3.269,1 ha, sản lượng thu hái đạt trên 10.000 tấn chè búp tươi/năm. Từ đầu năm đến nay nhân dân thu hoạch được 12.580 tấn, giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, tổng giá trị thu nhập ước đạt khoảng 150.960 triệu đồng. Nhiều năm gần đây, đã có rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp, các HTX tham gia thu mua chế biến chè, tạo nên một cuộc cạnh tranh sôi động, nâng cao giá trị sử dụng của các sản phẩm chè sạch ra thị trường tiêu dùng, tạo được thương hiệu cho chè Hoàng Su Phì. Để bảo tồn và nâng cao giá trị Chè Shan tuyết, cấp ủy, chính quyền huyện đã khuyến khích người dân chăm sóc, thu hái, bảo vệ, bảo tồn nguồn giống; đồng thời, đưa đội ngũ cán bộ khuyến nông về vùng chè để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè đúng thời vụ, chế biến chè đảm bảo chất lượng cho người nông dân. Hiện nay, huyện đang thực hiện mở rộng diện tích Chè Shan tuyết bằng phương pháp ươm, trồng chè bầu và chăm sóc chè theo kỹ thuật sản xuất chè sạch hữu cơ; nhằm từng bước nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, đưa sản phẩm Chè Shan tuyết thực sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện, ngày càng đem lại đời sống ấm no cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Chế biến chè ở HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì).
Chế biến chè ở HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì). 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 Công ty cổ phần, 7 Công ty TNHH, 13 HTX và 290 cơ sở, hộ kinh doanh và chế biến chè, với tổng công suất chế biến khoảng 280 tấn chè búp tươi/ngày. Các cơ sở này đã chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, bao bì nhãn mác, đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ, hiện đại chế biến được các sản phẩm chè có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Nhằm nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người trồng chè và người tiêu dùng sản phẩm chè, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm tham gia thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới. UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp – PTNT phối hợp với Ban điều phối chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện liên quan, phối hợp với các đơn vị của T.Ư xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Chè Shan tuyết tỉnh Hà Giang. Ngày 16.8.2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định về việc cấy Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Chè Shan tuyết Hà Giang trên địa bàn 6 huyện, thành phố với 44 xã có sản phẩm “Chè Shan tuyết”. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 5 của Hà Giang sau Mật ong bạc hà Mèo Vạc, Cam sành Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ, Gạo tẻ Già dui Xín Mần, đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất của Việt Nam. Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm Chè Shan tuyết là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một đặc sản của tỉnh, một sản phẩm gắn liền với đời sống văn hóa của cộng đồng người Dao và người Mông. Chỉ dẫn địa lý sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, người dân nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, bối cảnh phát triển hội nhập, hiệu quả và bền vững.

Sản phẩm mới Bạch trà hữu cơ và Hồng trà hữu cơ của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản phẩm mới Bạch trà hữu cơ và Hồng trà hữu cơ của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cây chè được xác định là một trong 5 loại cây trồng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu đặt ra đến năm 2020 diện tích chè kinh doanh là 17.000 ha; trong đó 70% diện tích theo VietGap hoặc hữu cơ, trong đó 2.000 ha từ chè tươi sang khô từ 5,1 giảm xuống còn 4,4; sản lượng chè khô đạt 19.300 tấn, giá bán bình quân từ 41 triệu đồng/tấn khô tăng lên 80 triệu đồng/tấn khô, giá trị sản sản xuất chè búp tươi đạt 323,765 tỷ đồng. Đẩy mạnh thâm canh để tăng năng suất, sản lượng, cải tạo các diện tích chè già, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chè; tổ chức thành lập HTX trồng chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè tại các cơ sở có vùng chè tập trung lớn, ký kết hợp đồng với người sản xuất đầu tư vào kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm…. đó là những định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới mà tỉnh đã đề ra.

Hà Giang – Mảnh đất nơi cực Bắc của Tổ quốc được thiên nhiên ưu đãi cho vùng chè độc nhất vô nhị. Mùa Xuân đến, cây chè đâm chồi nảy lộc bừng tỉnh sau những ngày ngủ đông dài tạo nên những búp chè Xuân mập mạp giàu vi chất, hàm lượng vitamin. Thấm đẫm tinh túy đất trời, thương hiệu Chè Shan Tuyết Hà Giang luôn được nhiều người tìm đến như một món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người, cùng góp vui với Xuân này.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao tầm vóc đàn gia súc

Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định trâu, bò là những con thế mạnh, chủ lực; là một trong những giải pháp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Chính vì vậy, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đàn trâu, bò, đặc biệt chăn nuôi theo hướng hàng hóa và hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), cải tạo tầm vóc đàn đại gia súc.

 

31/01/2019
Thêm niềm vui mừng Xuân

Xuân 2019 - Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, Nguyễn Xuân Huy, khẳng định: Năm qua, đơn vị đã bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, thu đúng...

30/01/2019
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông: Ổn định bộ máy hoạt động hiệu quả

Xuân 2019 - Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (BQL) được thành lập ngày 21.8.2017, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại BQL Dự án công trình giao thông thuộc Sở Giao thông - Vận tải. Sau hơn năm thành lập, BQL đã ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ, giải quyết dứt điểm nhiều dự án chuyển tiếp và thực hiện tốt các nhiệm vụ mới.

30/01/2019
Đồng Văn xây dựng hình ảnh cán bộ gương mẫu, vì dân

Xuân 2019 - Thực hiện Chỉ thị 03 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường giám sát "Nói đi đôi với làm" đối với cấp ủy viên, người đứng đầu các cấp, ngành và đơn vị trong tỉnh, BTV Huyện ủy Đồng Văn đã cụ thể hóa từng nội dung, ban hành hướng dẫn việc đánh giá mức độ quyết liệt của cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo diện cấp ủy quản lý thuộc Đảng bộ huyện...

30/01/2019