Hà Giang

Văn hóa dân tộc Nùng hòa quyện trong những sắc Xuân

07:11, 09/02/2019

Xuân 2019 - Khi những cánh hoa đào mỏng manh khoe sắc hồng báo hiệu một mùa Xuân mới đã về, vượt qua những khúc cua ngoằn ngoèo, chúng tôi có mặt nơi mảnh đất miền Tây Xín Mần đầy nắng và gió, nằm nép mình bên dòng sông Chảy hiền hòa. Cách trung tâm tỉnh lỵ 150km, Xín Mần là huyện vùng cao biên giới của tỉnh, với 16 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm 44% dân số toàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Trung Thịnh, Nấm Dẩn, Ngán Chiên, Thu Tà, Cốc Rế, Tả Nhìu, Thèn Phàng và Chế Là. Dân tộc Nùng có những nét văn hóa riêng biệt được lưu truyền từ đời này sang đời khác, tạo thành một nền văn hóa phong phú, đa dạng trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.

Học sinh trường PTDT bán trú THCS xã Nấm Dẩn học nghề thêu dệt thổ cẩm.
Học sinh trường PTDT bán trú THCS xã Nấm Dẩn học nghề thêu dệt thổ cẩm.

Một trong những nét văn hóa đặc sắc mà hiện nay người Nùng còn lưu giữ được đó là nghề thêu, dệt thổ cẩm. Hầu hết phụ nữ Nùng đều phải học thêu thùa, may vá từ khi còn bé, để lúc lớn lên có thể tự tạo cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Không sặc sỡ như trang phục của một số dân tộc, trang phục của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô nhuộm chàm và ít thêu thùa trang trí. Màu sắc cũng khá đa đạng, từ màu xanh nhạt, đến xanh thẫm, tím than, xanh đen, nhưng phổ biến nhất vẫn là màu chàm. Phụ nữ Nùng thường mặc áo 5 thân và 4 thân; áo 4 thân có cổ áo tròn, xẻ ngực; áo 5 thân màu chàm, được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho người mặc cử động thoải mái trong sinh hoạt và lao động thường ngày. Hoa văn trên cổ áo là những họa tiết hình vuông, hình quả trám, xếp thành hình tam giác liền kề nhau. Để giữ gìn nghề thêu dệt truyền thống của người Nùng, năm 2016, UBND tỉnh đã cho ra mắt Làng nghề thêu dệt thổ cẩm tại thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn. Từ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, xã Nấm Dẩn đã thành lập được 12 Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm ở 12 thôn; thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia và thường xuyên tạo ra những sản phẩm độc đáo, phục vụ cuộc sống hàng ngày như: Váy, áo, những tấm địu, gối ngủ, túi đựng điện thoại, khăn trải bàn... Việc được công nhận Làng nghề là điều kiện để Làng nghề thêu dệt thổ cẩm Nùng tiếp tục phát triển, từ đó nâng cao nhận thức của bà con nhân dân trong việc bảo tồn và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Nùng, đồng thời tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, những Nghệ nhân lành nghề thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Nùng còn phối hợp với huyện và các trường học trên địa bàn tổ chức truyền dạy nghề cho các em học sinh nhằm bảo tồn và phát triển nghề văn hóa truyền thống. Góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” của huyện Xín Mần  giai đoạn 2015 – 2020.

Nghệ nhân Lù Văn Kim, thôn Đông Chứ, xã Ngán Chiên chế tác sản phẩm bạc.
Nghệ nhân Lù Văn Kim, thôn Đông Chứ, xã Ngán Chiên chế tác bạc.

Nghề chạm Bạc của đồng bào Nùng ở Xín Mần cũng là một trong những nét văn hóa không thể thiếu, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn phản ánh nét văn hóa độc đáo và tài năng của các nghệ nhân khi làm ra nhiều loại trang sức tinh xảo, như vòng bạc, hoa trang trí, xà tích, lắc, hoa tai, nhẫn, chuông, cúc áo... Trong số các xã của huyện Xín Mần thì người dân xã Ngán Chiên còn gìn giữ được nghề chạm bạc, tập trung nhiều nhất ở thôn Đông Chứ. Bằng những dụng cụ thủ công, thô sơ như: Dùi, đục, búa…, trải qua nhiều công đoạn các nghệ nhân ở đây cho ra đời những sản phẩm đẹp và giá trị, từ lắc tay, kiềng, tới những bộ xà tích được trạm trổ tỉ mỉ và tinh xảo… Độc đáo nhất là những hoa văn ở khuy cổ áo, có hình con bướm hai bên và gắn các tua hình tam giác ược làm bằng bạc. Đây là biểu tượng thể hiện sự cầu mong hạnh phúc của người phụ nữ Nùng. Sản phẩm bạc của người Nùng khác biệt và nổi trội hơn hẳn so với sản phẩm bạc của các dân tộc khác bởi họa tiết tinh tế, mẫu mã đa dạng, cân đối ở thủ pháp xử lý sáng tối nhờ kỹ thuật tạo khối của nghệ nhân trên chất liệu bạc. Bên cạnh áo, váy, đồ trang sức cũng là một bộ phận quan trọng, tạo nên nét đặc sắc của trang phục truyền thống của phụ nữ Nùng. Nét văn hóa độc đáo của dân tộc Nùng là khi đi lấy chồng, ngoài những sính lễ quan trọng khác thì người con dâu được nhà trai sắm lễ một bộ trang sức bạc, bao gồm: Vòng cổ có khắc hình các loại hoa lá, cá, chim thú; chụm đầu, vòng tay, cúc áo... trị giá trên 10 triệu đồng/bộ. Vào những ngày Xuân hay mỗi dịp lễ hội, các thiếu nữ dân tộc Nùng lại xúng xính những bộ trang sức bằng bạc truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, cùng nhau đến những phiên chợ Tết để mua sắm và giao lưu, gặp gỡ.

Giới thiệu các sản phẩm được chế tác từ bạc với du khách.
Giới thiệu các sản phẩm được chế tác từ bạc với du khách.

Lễ cúng rừng là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Nùng ở Xín Mần. Theo quan niệm của người Nùng, Thần rừng được coi là một vị thần linh thiêng che chở cho dân làng trong cuộc sống hằng ngày, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Lễ cúng rừng được tổ chức hằng năm vào ngày 30 tháng Giêng và ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch. Trước khi tổ chức Lễ cúng rừng, người dân địa phương thường họp bàn về cách thức, địa điểm thực hiện lễ cúng, chọn thầy cúng và chuẩn bị chu đáo lễ vật... Thầy cúng phải là người có uy tín, hiểu được phong tục, tập quán của dân tộc mình và là người được các thế hệ thầy cúng đi trước lựa chọn để truyền dạy các bài cúng. Lễ vật được chuẩn bị gồm: Lợn, gà, rượu, xôi đỏ, hương; được chia thành 3 mâm: Mâm cúng “Thần rừng”, mâm cúng “Thần thổ địa” và mâm cúng “Thần mưa thuận, gió hòa” cho mùa màng bội thu. Mỗi mâm được bố trí sắp xếp các lễ vật khác nhau theo quy định của lễ cúng. Mâm cúng “Thần rừng” là mâm quan trọng nhất, được sắp xếp đặt ở vị trí cao nhất. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ đồ lễ, thầy cúng bắt đầu xin phép “Thần rừng” được tổ chức Lễ cúng rừng cho dân làng trong thôn. Các bài cúng được thực hiện đầy đủ các bước theo trình tự: Báo cáo với dân làng, dâng lễ vật, làm thịt gà cho các vị thần, dâng thần và cầu mong các vị thần phù hộ cho cả dân làng được bình an, không có bệnh tật, ốm đau, luôn luôn có sức khỏe lao động sản xuất, phát triển KT - XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng mời tất cả người dân trong làng cùng hưởng lộc, ăn cơm tại nơi tổ chức lễ cúng. Lễ cúng Thần rừng không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng gắn với thiên nhiên...

Lễ cúng rừng của người Nùng ở Xín Mần
Lễ cúng rừng của người Nùng ở Xín Mần

Đồng chí Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Hiện nay, cùng với sự phát triển và giao thoa giữa các dân tộc trên địa bàn huyện, nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng dần bị mai một do tác động của nền kinh tế thị trường. Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc thông qua các hoạt động như: Tổ chức các cuộc thi dân ca, dân vũ tại địa phương; triển khai xây dựng Làng Nùng kiểu mẫu; đưa văn hóa truyền thống của người Nùng vào truyền dạy trong các trường học; tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Nùng với quy mô cấp xã, cấp huyện vào mỗi dịp Tết đến Xuân về…

Trong sắc Xuân đang tràn ngập khắp phố phường, cùng với các dân tộc khác, dân tộc Nùng ở huyện Xín Mần đã góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên quê hương cực Bắc thân yêu.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vùng Chè Shan tuyết vào Xuân

Xuân 2019 -  Một mùa Xuân mới lại về, khoác màu xanh tươi trên dải đất cực Bắc của Tổ quốc - Mảnh đất được mệnh danh là xứ sở của những cây Chè Shan tuyết cổ thụ quanh năm nằm trong mây mù và sương giá. Thời điểm này, những rừng Chè Shan tuyết ở Hà Giang đang vươn mình nảy những mầm non đầu tiên, cho ra những búp chè non xanh mướt, tạo nên thương hiệu đặc biệt riêng có của Hà Giang.

 

09/02/2019
Lan tỏa sắc Xuân nửa nhiệm kỳ Đại hội

Xuân 2019 - Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, vượt lên những khó khăn như nguồn lực đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém dẫn đến thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp, không đồng đều; khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nhân dân... 

09/02/2019
Dấu tích hào hùng "chảy" mãi cùng dòng Gâm

Xuân 2019 - Những năm qua, Di tích lịch sử (DTLS) Căng Bắc Mê luôn được tỉnh, huyện quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng và từng bước thực hiện các hạng mục tôn tạo, phát huy giá trị. Căng Bắc Mê được xếp hạng DTLS cách mạng cấp Quốc gia, là chứng tích sự đàn áp, đày ải của thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng không chỉ của địa phương mà còn của cả khu vực 3 tỉnh Hà Giang...

08/02/2019
Mang niềm vui sức khỏe đến mọi nhà

Xuân 2019 - Nằm trong lòng thành phố Hà Giang, Bệnh viện Y dược cổ truyền luôn giữ được nét riêng, với những vườn cây dược liệu và nhiều bài thuốc quý. Bệnh viện hiện có 21 khoa, phòng, 133 cán bộ, y, bác sỹ; hiện được nâng lên hạng II, quy mô 120 giường bệnh; hàng năm khám và điều trị cho hơn 9.000 lượt bệnh nhân, với gần 3.000 đơn thuốc; điều trị các bệnh như: Cơ xương khớp, thần kinh, tiểu đường, tăng huyết áp...

08/02/2019