Hà Giang

Không thể đòi hỏi Đảng phải từ bỏ cương lĩnh

10:06, 09/06/2020

BHG - Trong những năm gần đây, âm mưu, thủ đoạn chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm. Một trong những biểu hiện chủ yếu là phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà thực chất đó là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng ta phải “từ bỏ” hoặc “thay đổi” Cương lĩnh.

Thực tế lãnh đạo đất nước hơn 90 năm qua đã cho thấy, nhờ kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, được cụ thể bằng Cương lĩnh của Đảng mà Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, giành những thắng lợi to lớn. Những thắng lợi đó đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, vị thế đất nước ngày càng được nâng lên… Thế nhưng, trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, với mục tiêu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trước hết là tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thì sự chống phá của các thế lực thù địch càng ráo riết hơn, quyết liệt hơn. Lần này cũng vậy, mục đích của chúng là không thay đổi, song thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Trong đó, một số người dưới danh nghĩa đảng viên, tự cho mình là “thực sự yêu nước”, “tâm huyết trăn trở với vận mệnh của đất nước” đã viết và phát tán trên internet với nhiều quan điểm sai trái.

Như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta trong những thập kỷ tới”. Cương lĩnh không phải là sản phẩm của một vài cá nhân, hay của một nhóm người nào đó. Cương lĩnh là ý chí của toàn Đảng, mà đại diện cao nhất là Đại hội Đảng, là BCH Trung ương và Bộ Chính trị. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 so với Cương lĩnh 1991, đã có nhiều sự bổ sung và phát triển đầy sáng tạo. Cương lĩnh 2011 là kết quả của tổng kết thực tiễn cách mạng trong 25 năm đổi mới, cũng là kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng kể từ ngày thành lập. 

Vậy mà một số đối tượng phản động, cơ hội đòi hỏi “từ bỏ” Cương lĩnh là hoàn toàn không bình thường. Đòi hỏi “từ bỏ” Cương lĩnh, thực chất là đòi hỏi từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cuối cùng là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thật ra, không phải những đối tượng đó không biết Cương lĩnh nói gì về xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Nhưng họ đã phớt lờ ngay cái điểm đầu tiên của xã hội ấy là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ… họ bóp méo tính chất dân chủ của Nhà nước ta – Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…

Họ phủ nhận dân chủ xã hội chủ nghĩa rằng đó là phi dân chủ, bất chấp những gì Cương lĩnh đã ghi: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực.

Cương lĩnh còn nêu rõ: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người… Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.

Họ lặp lại cái luận điệu “độc đảng, toàn trị” mà các thế lực thù địch dùng để chống lại sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà không hiểu thực chất của “toàn trị” là gì, có dính dáng gì đến sự lãnh đạo của Đảng không? Thực tế hiện nay, quyền dân chủ của nhân dân còn bị vi phạm, có những trường hợp nghiêm trọng. Nhưng đó là Cương lĩnh sai hay do làm sai Cương lĩnh? Lãnh đạo theo cơ chế dân chủ, tăng cường dân chủ, tự kiểm điểm và phê phán những việc làm sai trái, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền là điều Đảng quan tâm.

Không thể đòi hỏi Đảng từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã thực hiện hơn 90 năm qua. Thực tế cách mạng Việt Nam khẳng định, “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”, như vậy có nghĩa là nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn còn nguyên giá trị, Cương lĩnh của Đảng vẫn là “kim chỉ nam” dẫn dắt nhân dân ta tiến tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trung tá, ThS Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn

BHG - Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và các tầng lớp nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước. Cùng với việc gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mỗi đảng viên còn phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, những điều đảng viên không được làm, trong đó có kỷ luật phát ngôn.

 

29/11/2019
Di huấn của Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng

BHG - Cùng với việc hoàn thiện bản Di chúc, nhân kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930- 3.2.1969), Chủ tịch Hồ CHí Minh đã viết bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" đăng trên báo Nhân dân. Bài viết gồm 684 từ, ngắn gọn, súc tích, nêu lên một vấn đề rất quan trọng vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa thiết thực mang tính thời sự đối với Đảng cầm quyền. Trong bài viết, Hồ Chí Minh đã gắn đạo đức cách mạng với chủ nghĩa cá nhân.

 

29/09/2019
Sự thật đằng sau các luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam

BHG - Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và có gần 1/5 dân số theo tôn giáo. Hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ và hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi dụng quá trình giao lưu, hội nhập, mở cửa của nước ta, cũng như sự phát triển nhanh chóng của Internet và gia tăng số lượng người dùng các trang mạng xã hội, nhiều thế lực xấu đã liên tục đưa ra những nhận định xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. 

29/09/2019
Phát huy vai trò của báo chí điện tử trong đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch

BHG - Trong công cuộc đổi mới ở nước ta, báo chí nói chung, báo chí điện tử nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, từng bước đổi mới nội dung và phương thức, thích ứng với xu thế phát triển của nền báo chí hiện đại. Báo chí ngày càng đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống, xã hội, nhất là trong đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

 

22/11/2019