Chuẩn mực đạo đức của Đảng trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay

09:15, 03/02/2020

BHG - Hơn lúc nào hết, hiện nay cần tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu Tư cách một người cách mệnh với 23 điểm căn bản. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10.1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Chương III về Tư cách và đạo đức cách mạng, nhấn mạnh 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Người nêu bật những tính tốt của người cách mạng cần được bồi đắp: NHÂN, NGHĨA, TRÍ, DŨNG, LIÊM.

Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên như non kém về lý luận, tư tưởng không vững vàng, thiếu kiên định mục tiêu chính trị, quan liêu trong phong cách lãnh đạo và khuyết điểm về đạo đức. Biểu hiện kém đạo đức rất nặng nề và tập trung ở sự tham lam, lười biếng, xa hoa, hủ hóa, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, thiếu kỷ luật... Những thứ bệnh nguy hiểm đó đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân.

Trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và các cuộc kháng chiến cứu nước đã làm nổi bật những tấm gương về nhân cách, đạo đức của những chiến sĩ cộng sản.

Trước hết đó là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp đấu tranh của Đảng và dân tộc vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đạo đức của Đảng là thật sự vì nước, vì dân, nêu cao lợi ích của đất nước, dân tộc, Tổ quốc trên hết, độc lập trên hết. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác.

Đạo đức của Đảng thể hiện ở quyết tâm và kiên cường đấu tranh chống mọi kẻ thù cướp nước và bán nước, cán bộ, đảng viên của Đảng là những chiến sĩ đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh đó. Cuộc đấu tranh đó đã diễn ra rất lâu dài và gian khổ với những thách thức nặng nề, phải đương đầu với những thế lực đế quốc, thực dân, phản động cực kỳ tàn bạo, có sức mạnh và mưu đồ hiểm độc. Thách thức nặng nề đó khiến cho toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao phẩm chất, ý chí đấu tranh vì phẩm giá, nhân cách con người và tinh thần tự tôn dân tộc.

Đạo đức của Đảng là đức hy sinh, giữ vững ý chí và khí tiết của người cộng sản. Những người cộng sản đã hy sinh tuổi thanh xuân, cuộc sống gia đình, hạnh phúc riêng tư, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Thời kỳ Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới, những giá trị đạo đức của thời cách mạng giải phóng và chiến tranh cứu nước tiếp tục được kế thừa, phát triển và lan tỏa.

Chặng đường mới cũng đặt ra nhiều thách thức mới từ vị trí cầm quyền của Đảng và trách nhiệm lớn lao của mỗi cán bộ, đảng viên đòi hỏi quyết tâm mới để vượt qua hoàn cảnh và vượt qua chính mình trước những cám dỗ vật chất, lợi ích cá nhân và tham vọng quyền lực.

Hơn lúc nào hết, hiện nay cần tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Trước yêu cầu đó, rất cần thiết phải tổng kết sâu sắc hơn những vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức từ trước tới nay và đề ra được những tiêu chí về đạo đức của Đảng trong hoàn cảnh hiện nay.

Đạo đức của Đảng trong thời kỳ mới là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích Quốc gia, dân tộc lên trên hết, “dĩ công vi thượng”. Cương lĩnh, đường lối của Đảng đã thể hiện điều đó. Chỉ đạo và hoạt động thực tiễn của toàn Đảng, mọi tổ chức đảng hướng tới chuẩn mực đó. Để đạt tới chuẩn mực đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, thái độ vì dân. Thật sự trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân. Phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, vì sự hùng cường của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Cần nhấn mạnh, đạo đức của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên là cần, kiệm, liêm, chính, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Chuẩn mực đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải làm việc với chất lượng và hiệu quả cao nhất, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm, vô cảm trong công việc. Cần kiên quyết phê phán, đấu tranh ngăn chặn hành động tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Kiên quyết chống những biểu hiện phe cánh, lợi ích nhóm. Mọi cán bộ, đảng viên sống và làm việc tuân thủ kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trung thực, đoàn kết, không làm điều gì khuất tất, không đưa người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào các cơ quan hoặc vị trí lãnh đạo, quản lý.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đạo đức của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay là không quan liêu, xa rời quần chúng, khiêm tốn, giản dị, giữ gìn lối sống trong sạch, đề cao các giá trị văn hóa, nhân văn. Bài học lấy dân làm gốc cần được nhận thức và hành động đúng ở mọi thời kỳ cách mạng. Làm tốt được điều đó là khắc phục được bệnh quan liêu - một nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã nêu rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Nếu có khuyết điểm thì thật thà nhận lỗi trước nhân dân và cùng với nhân dân sửa chữa.

Đạo đức của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay đòi hỏi đề cao tính trung thực, tình thương yêu đồng chí, sống nhân ái, nghĩa tình. Hiện nay, phải khắc phục biểu hiện thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, gió chiều nào che chiều ấy, dĩ hòa vi quý. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã nêu rõ những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cần phải phê phán, loại bỏ như “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”, “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, độc đoán, gia trưởng, thiếu chỉ đạo trong chỉ đạo, điều hành”…

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Thấm nhuần lời dạy đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức đang đặt ra bức thiết. Cần thiết có sự thống nhất nhận thức và quyết tâm hành động, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

THIÊN THANH  (Nguồn: tuyengiao.vn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn

BHG - Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và các tầng lớp nhân dân, phát huy trí tuệ tập thể vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước. Cùng với việc gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mỗi đảng viên còn phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, những điều đảng viên không được làm, trong đó có kỷ luật phát ngôn.

 

29/11/2019
Di huấn của Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng

BHG - Cùng với việc hoàn thiện bản Di chúc, nhân kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930- 3.2.1969), Chủ tịch Hồ CHí Minh đã viết bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" đăng trên báo Nhân dân. Bài viết gồm 684 từ, ngắn gọn, súc tích, nêu lên một vấn đề rất quan trọng vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa thiết thực mang tính thời sự đối với Đảng cầm quyền. Trong bài viết, Hồ Chí Minh đã gắn đạo đức cách mạng với chủ nghĩa cá nhân.

 

29/09/2019
Sự thật đằng sau các luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam

BHG - Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và có gần 1/5 dân số theo tôn giáo. Hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ và hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi dụng quá trình giao lưu, hội nhập, mở cửa của nước ta, cũng như sự phát triển nhanh chóng của Internet và gia tăng số lượng người dùng các trang mạng xã hội, nhiều thế lực xấu đã liên tục đưa ra những nhận định xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. 

29/09/2019
Chữa căn bệnh "né" trách nhiệm

Một trong những căn bệnh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) tồn tại lâu nay là bệnh né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Mặc dù đã được nhận diện và chỉ rõ là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị theo Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng, thế nhưng cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa được điều trị hiệu quả. Tác hại của căn bệnh này là rất lớn, đòi hỏi phải có phương thuốc đặc trị.

 

29/08/2019